Tin tức / Đề tham khảo nhằm giúp giáo viên, học sinh hiểu được cấu trúc, mức độ khó và các dạng câu hỏi có thể xuất hiện trong kỳ thi. Đây không phải là ‘đề mẫu’ hay ‘đề duy nhất’ để học sinh phải tập trung ôn luyện mà chỉ là tài liệu mang tính định hướng. Đề cũng chỉ là một tập hợp các câu hỏi mang tính đại diện cho những nội dung trọng tâm, không phải toàn bộ các kiến thức sẽ có trong đề chính thức

Vận dụng Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT thế nào để tránh cực đoan?

Vận dụng Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT thế nào để tránh cực đoan?

GD&TĐ - Còn có hiện tượng giáo viên, học sinh hiểu một cách cứng nhắc cấu trúc, tính chất của đề tham khảo...

Điều này dẫn đến vận dụng cực đoan, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Những cách hiểu chưa đúng

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT Ngữ văn 2018, không nên coi cấu trúc đề tham khảo là mẫu duy nhất, chỉ cần luyện tập theo đúng kiểu dạng ấy, vì quy định về phạm vi và cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT linh hoạt, đa dạng. Với quy định ấy, có thể tổ hợp và lựa chọn rất nhiều dạng loại khác nhau.

Lấy ví dụ với môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, đề tham khảo Bộ GD&ĐT công bố tháng 10/2024 chỉ là một trong nhiều dạng có thể ra cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Như thế, không nên hiểu đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ ra đọc hiểu về thơ tự do và yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong văn bản đọc hiểu đã cho như đề tham khảo…

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể ra đọc hiểu một trong ba kiểu văn bản: Văn học, nghị luận, thông tin. Trong văn bản văn học lại có nhiều thể loại nhỏ; ít nhất với chương trình lớp 12 là thơ, truyện, ký, kịch…

Tương tự, yêu cầu viết cũng đa dạng. Với nghị luận văn học, đề có thể yêu cầu phân tích tác phẩm, có thể so sánh hai văn bản văn học, có thể phải làm rõ đặc điểm thể loại của một văn bản… Với nghị luận xã hội, tuy ưu tiên cho vấn đề gắn với tuổi trẻ, nhưng yêu cầu viết cũng đa dạng.

Nói sâu thêm về việc hiểu chưa đúng mục đích của việc đổi mới đề thi Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, mục đích chính, trực tiếp của việc đổi mới không phải là chống chép văn mẫu, mà nhằm đánh giá đúng năng lực người học và phù hợp với bối cảnh một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Đánh giá theo năng lực là đánh giá khả năng vận dụng những hiểu biết của học sinh vào một tình huống mới tương tự những gì đã học, không phải yêu cầu chỉ nhắc lại cái đã học… Với môn Ngữ văn, tình huống mới chính là ngữ liệu mới tương tự các văn bản theo thể loại và kiểu văn bản đã học.

Trước đề Ngữ văn kiểu mới, học sinh phải biết vận dụng kỹ năng đọc để hiểu một văn bản mới (không có trong sách giáo khoa), biết vận dụng kỹ năng viết văn bản theo các kiểu bài để tạo ra một đoạn văn, bài văn. Như thế, học sinh không thể chỉ trông chờ vào trí nhớ, không làm bài theo kiểu học thuộc… Do có 3 bộ sách Ngữ văn nên chỉ có thể đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình, không dựa vào bộ sách giáo khoa nào. Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá như vậy chống được hiện tượng giáo viên dạy tủ, đoán đề; khắc phục được tình trạng học sinh học thuộc, chép lại văn mẫu; học sinh học bộ sách nào cũng được, khuyến khích sự sáng tạo…

Cũng do nhận thức cứng nhắc về cấu trúc và đề minh họa, nên một số giáo viên, nhà trường triển khai dạy học, ôn tập, kiểm tra đánh giá một cách cực đoan. Biểu hiện rõ nhất, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, các bài kiểm tra (thường xuyên và định kỳ, ở các lớp cuối cấp THCS, THPT, thậm chí từ lớp 6…) đều áp dụng cấu trúc, dạng đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố.

Có thể thấy rõ điều đó không đúng, trước hết là thời gian làm bài khác nhau (kiểm tra thường xuyên chỉ 15, 30 phút hoặc 1 tiết), kiểm tra định kỳ 2 tiết (90 phút), trong khi thi tốt nghiệp THPT là 120 phút. Thêm nữa, mỗi kỳ thi, kiểm tra có một yêu cầu và mục tiêu riêng; không thể lấy mục tiêu, yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT áp đặt cho các kỳ kiểm tra, đánh giá khác.

Thầy Trang Minh Thiên - Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) cho rằng, hiện tượng hiểu chưa đúng về tính chất của đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT thể hiện ở việc giáo viên, học sinh chỉ tập trung vào các dạng câu hỏi xuất hiện trong đề tham khảo mà bỏ qua những nội dung kiến thức khác trong chương trình, dẫn đến việc dạy học trở nên cứng nhắc và thiếu sáng tạo.

Vận dụng thế nào phù hợp?

Trả lời câu hỏi nên áp dụng đề tham khảo trong dạy học thế nào để tranh cực đoan và mang lại hiệu quả cao trong ôn tập thi tốt nghiệp THPT, theo thầy Trang Minh Thiên, giáo viên cần phân tích toàn diện đề tham khảo: Xác định cấu trúc, các dạng câu hỏi, mức độ khó và phạm vi kiến thức; đối chiếu với chương trình học để xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý.

Đồng thời, cần đảm bảo dạy đầy đủ các nội dung, kỹ năng theo chương trình, không tập trung quá mức vào dạng bài cụ thể trong đề tham khảo. Thay vì chỉ luyện đề, giáo viên cần giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc hiểu, tư duy logic, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Đối với học sinh, cần ôn tập đầy đủ kiến thức trong chương trình học, đặc biệt những phần có thể xuất hiện trong đề thi thật nhưng không có trong đề tham khảo; chú trọng rèn luyện các kỹ năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề.

Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh đề thi tham khảo chỉ là ví dụ cụ thể, chứ không bao quát đầy đủ nội dung thi. Vì vậy, nên phân tích ma trận để phát triển đề thi thì đảm bảo tính tổng quát và toàn diện hơn. Thêm nữa, giáo viên cần bám sát các yêu cầu về phẩm chất, năng lực của từng nội dung kiến thức để ôn tập.

Chú trọng học hiểu, lựa chọn thêm kiến thức ngoài sách giáo khoa để đưa vào ôn tập, tránh học tủ, học vẹt; chú trọng rèn luyện cho học sinh kỹ năng tìm ra đáp án chính xác qua nỗ lực tự học. Phân loại đối tượng học sinh theo năng lực để ôn tập hướng tới mục tiêu cụ thể…

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý, mục tiêu chung cần hướng tới là năng lực đọc, viết, nói, nghe; nhưng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ có thể chỉ hướng tới một trong các kỹ năng ấy. Cho nên, bài kiểm tra thường xuyên có thể chỉ đánh giá về đọc hiểu và có thể sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm.

Kiểm tra định kỳ cũng có thể chỉ kiểm tra viết một kiểu (bài hoặc đoạn) văn bản…, không nhất thiết bắt buộc phải có cả đọc hiểu cộng với viết cả nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Ngoài ra, ngữ liệu trong các bài kiểm tra thường xuyên hoàn toàn có thể sử dụng lại các văn bản đã học; thậm chí một số bài kiểm tra định kỳ vẫn có thể sử dụng lại văn bản đã học với cách hỏi đổi mới, đáp ứng đúng yêu cầu đánh giá năng lực…

“Yêu cầu và cấu trúc đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố là kết quả cuối cùng với học sinh cuối cấp. Nếu áp dụng cứng nhắc cấu trúc, yêu cầu đề tham khảo vào tất cả loại bài kiểm tra, đánh giá sẽ gây quá tải, nặng nề, làm khổ giáo viên và học sinh một cách không cần thiết.

Với phạm vi yêu cầu, cấu trúc mà Bộ GD&ĐT đã công bố, đề thi cụ thể sẽ đa dạng, phong phú, người dạy và học không thể đoán mò, học tủ như trước được nữa. Chỉ có thể dạy và học về phương pháp, cách thức. Cụ thể, dạy và ôn luyện cho học sinh cách đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại và cách viết văn bản theo một kiểu bài nào đó, với lớp 12 chủ yếu là kiểu bài nghị luận”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay.