Tin tức /

Nam sinh 16 tuổi đạt 9.0 IELTS trong lần thi đầu tiên

Minh Đức, chủ nhân điểm 9.0 IELTS, nói không luyện bài thi này vì các dạng bài ở lớp chuyên Anh còn khó hơn nhiều.

Trần Minh Đức, 16 tuổi, hiện là học sinh lớp 11 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nam sinh thi IELTS lần đầu hôm 23/11, đạt điểm tuyệt đối ở ba kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, riêng Viết đạt 8.

"Khi biết điểm, em vội khoe ngay với bạn bè", Đức kể. "Ban đầu, em chỉ đặt mục tiêu 8-8.5 overall". Theo thống kê của tổ chức IELTS, năm ngoái, khoảng 1% thí sinh ở Việt Nam đạt mốc điểm từ 8.5 trở lên.

Nam sinh đánh giá đề thi không khó và hài lòng với bài làm của mình ở cả 4 kỹ năng. Trước đó, em không ôn IELTS vì đánh giá các dạng bài Nghe, Đọc, Viết tương tự ở lớp còn phức tạp, khó hơn nhiều.

Cô Bùi Ánh Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Anh 1, đánh giá kết quả này chứng tỏ kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ vượt trội của Đức. Theo cô, nam sinh có nền tảng tiếng Anh được tích lũy cho trong nhiều năm, có mục tiêu cùng sự chỉn chu trong học tập.

Trần Minh Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Minh Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức từng giành giải nhất học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 9, đạt điểm chuyên cao nhất 9,2/10 khi đỗ vào lớp 10 chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Em hiện trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh của thành phố.

Nam sinh nói được rèn luyện thường xuyên các dạng bài IELTS trên lớp và ở đội tuyển nên biết cách làm với từng tình huống cụ thể. Em ví dụ ở bài Nghe, thí sinh thường có thời gian đọc đề trước khi làm. Tận dụng lúc này, em gạch chân các từ khóa và nắm bắt nội dung chính, giúp tập trung hơn khi nghe băng.

Em cũng nhận thức được một số "bẫy" thông tin, chẳng hạn người nói đưa thông tin sai trước, sau đó mới đính chính. Do đó, nam sinh nghe kỹ mới điền đáp án.

Ở phần Đọc, Đức nhìn nhận để làm tốt cần nắm chắc ngữ pháp và từ vựng. Chủ đề bài này đa dạng, từ các nghiên cứu đến vấn đề xã hội, văn hóa, lịch sử... Em không gặp khó vì thường đọc những bài viết về các chủ đề trên qua báo mạng như The New York Times.

Dạng bài True (Đúng), False (Sai), Not Given (Không có) thường khó nhất trong bài Đọc. Từ kinh nghiệm, em thấy nếu câu trả lời đưa ra thông tin đối nghịch với trong bài thì đáp án là False, còn không nhắc đến là Not Given. Ngoài ra, thí sinh cần để ý tới số lượng từ cho phép trong câu trả lời. Ví dụ đáp án yêu cầu chỉ được điền một hoặc ba từ, nếu quá sẽ sai.

Bài thi Nói phần 1 sẽ hỏi về bản thân thí sinh, phần 2 yêu cầu trình bày một chủ đề trong hai phút, còn phần 3 là thảo luận chung, liên quan đến phần trước. Đức cho rằng câu hỏi ở hai phần sau cụ thể hơn, đòi hỏi thí sinh biết cách sử dụng linh hoạt từ vựng và cấu trúc đa dạng. Điều quan trọng nhất là sự trôi chảy và đúng ngữ pháp.

"Đó là lỗi giám khảo dễ bắt nhất. Nếu mắc, thí sinh sẽ bị trừ điểm khá nặng", Đức nói.

Trong 4 kỹ năng, Đức đánh giá Viết khó hơn cả. Bài thi gồm hai phần Task 1 và Task 2. Task 1 thường có dạng phân tích biểu đồ. Kinh nghiệm của Đức là tìm ra những thông tin chính quan trọng nhất, rồi so sánh chúng với nhau.

"Trong đó, em chú ý những cái cao nhất, thấp nhất hoặc tăng, giảm bao nhiêu lần...", Đức cho hay.

Với Task 2, em làm dàn ý chi tiết để tránh lạc đề hoặc lỗi logic, phải theo đúng cấu trúc ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Phần mở bài sẽ có câu chủ đề, giới thiệu nội dung chính. Phần thân bài, em trình bày và phát triển ý theo từng đoạn, câu chủ đề cũng đặt ở đầu. Kết bài là tóm tắt lại nội dung.

"Thí sinh nên tìm hiểu thang chấm và tiêu chí chấm điểm của bài thi IELTS để biết cần tránh lỗi gì và tập trung vào đâu nhằm đạt điểm cao", nam sinh nói thêm.

Đức hiện tập trung cho mục tiêu thi học sinh giỏi quốc gia và dự định thi SAT vào tháng 3 năm sau. Em cũng duy trì các hoạt động ngoại khóa ở câu lạc bộ nghệ thuật của trường, dự kiến làm hồ sơ du học ngành Công nghệ Sinh học.

Bình Minh