Tin tức / GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí - tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (HAS) của Đại học Quốc gia Hà Nội: “Chìa khóa” cho các kỳ thi là nắm chắc và hiểu kiến thức

Thi đánh giá năng lực, tư duy năm 2025: Đánh giá hiệu quả, tác động xã hội

Thi đánh giá năng lực, tư duy năm 2025: Đánh giá hiệu quả, tác động xã hội

GD&TĐ - Năm 2025 tiếp tục ghi nhận một số kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (kỳ thi riêng) của cơ sở GD đại học để tuyển sinh đầu vào hệ chính quy.

Các chuyên gia cho rằng, không nên có quá nhiều kỳ thi riêng và cũng không nhất thiết phải sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh.

TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam (CHLB Đức): Ý nghĩa hơn nếu sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để tuyển sinh

 

Ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng nhiều trường ĐH tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc liên kết giữa các trường ĐH. Về nội dung, đề kỳ thi “đánh giá năng lực” để tuyển sinh của các trường ĐH cơ bản như nội dung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; không phải nhằm đánh giá các năng lực đặc thù riêng của ngành đào tạo mà Chương trình GDPT cũng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT không đề cập đến.

Tổ chức kỳ thi tuyển sinh nằm trong quyền tự chủ của trường ĐH. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý thì cần nhìn nhận tác động xã hội và tác động hệ thống của công tác tuyển sinh.

Về tác động xã hội, việc có thêm một kỳ thi tuyển sinh ĐH, dù tổ chức thi riêng từng trường hay cho nhiều trường thì không chỉ tăng gánh nặng tài chính, áp lực cho cha mẹ học sinh, mà còn tăng áp lực thi cử cho học sinh, cũng như tạo thêm áp lực cho xã hội.

Về tác động hệ thống, cần đánh giá tác động việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH tới chất lượng GDPT; đánh giá việc trường ĐH tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng có ảnh hưởng tiêu cực đến GDPT hay không, nếu học sinh không chuyên tâm vào việc hoàn thành chương trình giáo dục vì còn lo chuẩn bị cho kỳ thi vào trường ĐH mà họ lựa chọn.

Cần quan niệm rằng, tự chủ tuyển sinh ĐH không có nghĩa mỗi trường phải tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, mà cần một chiến lược để thu hút được nhiều ứng viên phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo và phát triển của trường.

Dưới góc độ hệ thống, chất lượng đầu vào của các trường ĐH chỉ có thể đảm bảo khi chất lượng đầu ra của GDPT tốt và từng bước nâng cao. Do đó, một mặt cần nâng cao tính khách quan trong đánh giá kết quả GDPT, bao gồm Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm tăng độ tin cậy của kết quả học tập, xét tuyển ĐH. Mặt khác, các đơn vị nên xem xét công tác tuyển sinh dưới góc độ hệ thống và xã hội, không nên chỉ xem xét dưới góc nhìn riêng từng trường.

Công tác quản lý Nhà nước, một mặt khuyến khích tính tự chủ của các trường ĐH, mặt khác cần đảm bảo công tác tuyển sinh được đặt trong mối quan hệ hệ thống, tránh tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của hệ thống giáo dục cũng như xã hội.

Sẽ có ý nghĩa cho cả GDPT và giáo dục ĐH nếu đại đa số các trường ĐH có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Đồng thời, các trường ĐH thường xuyên khảo sát chất lượng đầu vào của sinh viên và có đánh giá phản hồi về chất lượng đầu vào để hệ thống GDPT có cơ sở nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu của giáo dục ĐH.

TS Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình: Cần đánh giá toàn diện về hiệu quả các kỳ thi riêng

 

Về nguyên tắc, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đó là: “Đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”; “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH” (Nghị quyết số 29-NQ/TW); “Chương trình GDPT đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa các lớp, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục ĐH” (Chương trình GDPT 2018 tổng thể).

Theo phản ánh của phụ huynh, học sinh và thực tiễn quản lý GDPT, việc có quá nhiều các kỳ thi riêng gây ra một số khó khăn dưới đây:

Đối với học sinh: Việc cùng lúc phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi riêng có thể gây áp lực, tốn kém. Các em phải tìm, mua các khóa ôn luyện trực tuyến; phải di chuyển tới địa điểm tổ chức thi; nộp lệ phí thi, chi phí đi lại, ăn ở… sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với gia đình ở nông thôn, khó khăn hoặc vùng sâu, xa.

Đối với giáo viên phổ thông cần đầu tư nhiều thời gian cho nghiên cứu, đào sâu để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018, nên việc đồng thời ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi riêng trong điều kiện thời gian có hạn là khó thực hiện. Hơn nữa, quản lý lớp học có học sinh đã được báo trúng tuyển sớm trước khi diễn ra thi tốt nghiệp THPT không dễ dàng, do các em có biểu hiện lơ là trong học tập, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý bạn khác trong cùng lớp.

Đối với cấp quản lý GDPT ở các địa phương: Chỉ đạo chuyên môn thống nhất theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; khó chỉ đạo tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh tham gia đạt hiệu quả cao cùng lúc nhiều kỳ thi riêng do cơ sở giáo dục ĐH tổ chức.

Để tổ chức tốt các kỳ thi, lấy căn cứ cho cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh, cần bám sát các nguyên tắc đã nêu trên và phải tính toán căn cơ sao cho phù hợp thực tiễn và đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.

Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực của học sinh; việc kiểm tra, đánh giá định kỳ đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận, đặc tả và đề kiểm tra theo phương pháp mới; Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm cẩn ở các khâu, có sự giám sát của các bộ phận chuyên môn và xã hội… nên kết quả đánh giá năng lực học sinh có độ tin cậy. Nếu cơ sở giáo dục ĐH không sử dụng được các kết quả này thì thực sự lãng phí.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và thực tiễn địa phương, Bộ GD&ĐT nên khảo sát, nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hiệu quả các kỳ thi riêng; từ đó có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc theo tinh thần sử dụng kết quả các môn thi tốt nghiệp THPT làm gốc.

Cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào yêu cầu đặc thù của một ngành hoặc nhóm ngành đào tạo để thiết kế thêm 1 bài thi riêng của nhà trường, đảm bảo sự tin cậy, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, hài hòa yêu cầu về đầu vào của các cơ sở giáo dục ĐH và liên thông được với kết quả vô cùng quan trọng của Chương trình GDPT 2018.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí - tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (HAS) của Đại học Quốc gia Hà Nội: “Chìa khóa” cho các kỳ thi là nắm chắc và hiểu kiến thức

Năm 2025, dự kiến có gần 100 trường đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Đối với bài thi đánh giá năng lực, chúng tôi có những yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe để đảm bảo chất lượng.

Chúng tôi thận trọng từng bước mở rộng quy mô kỳ thi nhưng không ngừng triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác, sử dụng tối đa kết quả thi phục vụ thí sinh xét tuyển đại học.

Xa hơn nữa, chúng tôi tập hợp dữ liệu lớn để đối sánh với các kỳ thi trong nước và quốc tế. Với uy tín và chất lượng ngày càng cải thiện, tôi tin rằng, nhiều trường đại học trong và ngoài nước tin tưởng và sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển.

Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế với mục tiêu: Ổn định, phân loại và hướng nghiệp. Chúng tôi giữ ổn định nhất có thể khi tiếp cận theo chương trình mới. Năm 2025 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 phủ kín các lớp nên có nhiều thay đổi trong cách thức thi (đánh giá năng lực, kỳ thi tốt nghiệp) và xét tuyển đại học.

Về phần thi, học sinh cần có chiến lược học chắc, hiểu bản chất vấn đề vì các kỳ thi theo Chương trình GDPT mới ít nhiều đều hướng tới khảo thí năng lực người học. Với những môn học đã chọn, các em cần học tốt để không bị hổng hay mất gốc ngay từ đầu năm học.

Bên cạnh đó, thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường (số môn thi, tổ hợp xét tuyển theo các môn học chuyên môn, thời gian xét tuyển, điểm ưu tiên…) để kịp thời điều chỉnh cách học, ôn tập, lựa chọn kỳ thi và thời gian thi thích hợp.

Các em nên nhớ, chìa khóa cho tất cả kỳ thi là nắm chắc và hiểu kiến thức, hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng tích lũy, kiểm soát tốt thời gian làm bài thi. Ngoài ra, các em cần làm đề thi tham khảo của các kỳ thi một cách nghiêm túc nếu muốn dự thi. Việc đó sẽ giúp thí sinh tự tin hơn khi bước vào một kỳ thi bất kỳ.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Không nên có quá nhiều kỳ thi riêng

Theo tôi, dù có nhiều kỳ thi riêng để tuyển sinh nhưng thí sinh không nhất thiết phải tham gia tất cả kỳ thi này. Qua theo dõi cho thấy, các kỳ thi đều hướng đến đánh giá năng lực hơn là kiểm tra kiến thức học sinh. Vì thế, các em chỉ cần ôn chắc kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông, cấp THPT là được. Các em không cần phải học luyện thi như một số trung tâm quảng cáo.

Hiện, các kỳ thi đánh giá năng lực khác nhau về quy mô tổ chức. Việc tổ chức một kỳ thi riêng đòi hỏi nhiều công sức (nhân lực, tài lực). Theo quy định, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của mình; trong đó có cả việc tuyển sinh, tổ chức kỳ thi riêng.

Nếu trường nào quyết tâm tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy thì cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức, bởi mỗi trường sẽ có những tiêu chí tuyển sinh khác nhau để lựa chọn được thí sinh phù hợp.

Theo đó, Bộ GD&ĐT nên thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng. Việc tổ chức kỳ thi phải thực sự minh bạch, nghiêm túc. Muốn vậy, phải có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đứng từ phía thí sinh, việc các trường tổ chức kỳ thi riêng sẽ tạo thêm cơ hội, nhưng nếu mỗi trường đại học đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thì không chỉ gây ra sự lãng phí về tài chính, mà còn áp lực cho xã hội, tạo gánh nặng cho phụ huynh.

Dường như, chúng ta đang đặt quá nhiều yêu cầu vào các ngành đặc thù. Dù vậy, cũng không thể mỗi lĩnh vực có một kỳ thi riêng và không nên có quá nhiều kỳ thi diễn ra, bởi khi tổ chức các trường cũng cần tính đến hiệu quả của kỳ thi. Thực tế cho thấy, để tổ chức kỳ thi hiệu quả không dễ dàng, cách tốt nhất là các trường hợp tác, liên kết theo nhóm, cùng xây dựng, tổ chức một số kỳ thi là tốt nhất.

Nên nhớ, dù tuyển sinh theo phương thức nào, sử dụng kết quả kỳ thi riêng hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT… thì cơ sở đào tạo cần đánh giá phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, học tập; từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.